Trên vùng biển thềm lục địa phía Nam Tổ quốc có một nghĩa trang đặc biệt, đó là nơi yên nghỉ của 9 cán bộ chiến sĩ nhà giàn DK1. Mộ của các anh là những ngọn sóng bạc đầu, là những nhành san hô nằm dưới đáy biển sâu.
Kỳ cuối: Nước mắt của biển
(Đất Việt) Tràng hoa trước biển chứa trong đó bao ân tình, là nghĩa cử tri ân của thế hệ cán bộ chiến sĩ chúng tôi đối với các liệt sĩ. Xin cầu mong linh hồn các anh bình yên vĩnh hằng trong lòng biển. Và tôi, người đã từng công tác nhiều năm ở DK1 càng nghẹn ngào khi biết thêm về những câu chuyện kể về những người nằm xuống.
Bão lốc trong đêm
Thiếu tá Bùi Văn Bổng – người sống sót trở về sau cơn bão lốc bất ngờ đêm 4/12/1990 kể lại trong trào dâng xúc động những gì diễn ra đêm định mệnh đó. Chiều 4/10/1990, vùng biển thềm lục địa khu vực Phúc Tần bỗng khác thường. Phía Tây trời trong xanh ngắt, còn phía Đông từng mảng mây đen bất chợt kéo về, chẳng mấy chốc phủ kín bầu trời. Sóng gió nổi lên dữ dội. Nhà giàn Phúc Tần rung bần bật.
Thượng úy Bùi Văn Bổng và trung úy Nguyễn Hữu Quảng động viên anh em, sẵn sàng đối phó với sóng bão. Lúc 20g, một đợt sóng mạnh đã đánh bật sàn nhà ở. Những tấm gỗ mặt sàn tung tóe trong nước. Hiểm nguy cận kề, anh em lấy dây thừng kết những tấm gỗ lại với nhau thành một chiếc bè, nếu nhà giàn đổ thì bám vào đó chờ tàu đến cứu.
Viếng các liệt sĩ Nhà giàn DK1 đã hi sinh trên biển. |
Đến 2g ngày 5/12, nhà giàn Phúc Tần A bị nhấn chìm trong bão tố. Tám cán bộ chiến sĩ bám vào mảng phao bè tự chế, vừa chống chọi với sóng dữ, vừa động viên nhau cố gắng giữ sức bám chặt phao. Sóng mỗi lúc một to, chiếc phao bè tự chế tan tành từng mảnh. Giữa đêm tối mịt mùng và ngâm trong nước biển giá lạnh, biết không thể trụ vững được nữa, trạm phó chính trị Nguyễn Hữu Quảng đã nhường lại chiếc can nhựa cho đồng đội, rồi để sóng cuốn đi.
Sau 15 giờ chống chọi trong sóng gió, khi được tàu HQ-771 ra cứu, 3 cán bộ, chiến sĩ trung úy Nguyễn Hữu Quảng, y sĩ Lê Đức Là, nhân viên cơ điện Hồ Văn Hiền đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng biển xanh.
13 năm đau đáu chờ con
Đại úy Vũ Quang Chương hy sinh ở tuổi chớm 30, liệt sĩ Nguyễn Văn An ra đi, để lại người vợ trẻ tận Kim Sơn, Ninh Bình và đứa con trai 2 tháng tuổi chưa kịp đặt tên. Đứa con của An nay đã bước sang tuổi 13, sống với mẹ. Còn liệt sĩ Nguyễn Hữu Quảng để lại sự thảng thốt ngỡ ngàng cho người vợ mới đính hôn với lời hẹn ước sau chuyến đi biển ấy về sẽ làm lễ cưới. Khi hay tin con trai hy sinh, từ quê nhà huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, ông Vũ Quang Dương, bố của liệt sĩ Vũ Quang Chương, đã ngất đi. Trong tột cùng đau thương, ông tìm đến những nơi đơn vị trước đây con ông đã từng công tác.
Không ai ngăn được dòng nước mắt khi tưởng niệm các liệt sĩ. |
Đi đến Hải Phòng, Nha Trang hay Vũng Tàu, ở đâu ông cũng mang một hy vọng mong manh: “Biết đâu nó vượt biển sống sót trở về”. Ông vẫn đi, dù biết đó là vô vọng. Hôm gặp chúng tôi ở nhà khách Vùng 2 Hải quân, ông nghẹn ngào nói: “Tôi muốn có ít nước biển và chút san hô lấy từ nơi con tôi đã hy sinh, coi đó là xương, là cốt nó để tôi thờ cúng”. Bộ Tư lệnh Hải quân và Lữ đoàn – đơn vị của Chương đã xây tặng ông ngôi nhà tình nghĩa.
Mới đây, chúng tôi về Thái Bình thăm, ông vẫn hy vọng anh Chương còn sống. Ông vẫn luôn đi dò hỏi tin tức, kiếm tìm. Ông bảo: “Đã 13 năm rồi, nhưng tôi vẫn tin Chương vẫn còn sống. Chưa bao giờ tôi nguôi ngoai nỗi nhớ nó, tôi vẫn đau đáu chờ ngày nó trở về”.
Mãi sống trong lòng biển
Theo thông lệ, mỗi khi có đoàn công tác đi qua vùng biển thềm lục địa, đều làm lễ tưởng niệm hương hồn các liệt sĩ. Từ mái tóc bạc phơ đến mái đầu xanh; từ những người vào sinh ra tử qua hai cuộc kháng chiến đến các bạn trẻ chưa một lần mặc áo lính; từ những người lăn lộn với biển, đảo sống sót trở về đến những người lần đầu tiên đến nghĩa trang đặc biệt này đều không cầm được nước mắt, khi thắp hương tưởng nhớ các anh.
Trong một chuyến công tác, lời điếu của Đại tá Mai Tiến Tuyên, Chính ủy Vùng 2 Hải quân vang lên trên biển khơi, khiến cả đoàn chúng tôi bật khóc. Từ giọt nước mắt của Phó đô đốc Trần Thanh Huyền, đến tiếng nấc nghẹn ngào của các nữ văn công, những dòng lệ tuôn rơi của các nhà sư. Tất cả hòa quện thành lời tri ân đối với các liệt sĩ.
Những bông hoa tri ân vĩnh hằng cho người nằm lại |
“Các đồng chí đã gác lại bao khó khăn của hậu phương gia đình, gác lại những tình cảm riêng tư và biết bao nhiêu hoài bão, khát vọng lớn lao của tuổi trẻ, để lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Trong sóng cuồng bão dữ, giữa sự sống và cái chết, các đồng chí đã tỏ rõ lòng trung thành vô hạn đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân. Trước khi cuốn vào sóng dữ Đại úy Vũ Quang Chương đã ôm lá cờ Tổ quốc vào lòng.
Trước khi hi sinh, Nguyễn Văn An vẫn hi vọng được gặp đứa con trai chưa một lần thấy mặt, còn Nguyễn Hữu Quảng mang theo hình bóng và lời hẹn ước với người vợ sắp cưới xuống biển sâu.
Tất cả những điều đó là cội nguồn của đức hi sinh, là bản chất của người chiến sĩ Hải quân anh hùng của thời đại mới. Hôm nay, đứng nơi biển trời lạnh vắng, cán bộ chiến sĩ Vùng 2 Hải quân xin kính cẩn nghiêng mình viếng hương hồn các anh. Các anh hãy bình an vĩnh hằng trong lòng biển. Chúng tôi xin hứa, sẽ tiếp tục chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ vững chắc chủ quyền, biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc”.