Chồng đi biển xa đằng đẵng cả năm trời, một mình ở nhà nuôi con, mong mỏi chồng về từng ngày trong triền miên khắc khoải. 30 ngày phép của chồng đối với họ chưa đủ làm ấm lòng và xua tan nỗi nhớ. Vậy mà hễ đơn vị yêu cầu chồng đi biển là họ sẵn sàng động viên chồng. Bao lần tiễn chồng ra nhà giàn là bấy nhiêu lần nước mắt đầy vơi rơi nhạt nhòa trên cầu cảng.
Kỳ 5: Hậu phương vững chắc
(Đất Việt) “Anh ấy đi một mạch từ tháng 1.2005 đến tháng 4.2007 mới về. Gọi là công tác ở tỉnh nhà, nhưng cách đất liền hàng nghìn cây số. Hai tết không nhìn thấy mặt chồng, mâm cơm ngày tết chỉ một mẹ, một con. Thằng Bô (cháu Hiếu) cứ hỏi mẹ: Sao bố đi bộ đội lâu thế. Lúc ấy tôi không biết phải trả lời con thế nào”. Đó là lời tâm sự của chị Nguyễn Thị Chính, vợ của trung tá Đinh Công Trung, Chính trị viên Nhà giàn Phúc Nguyên.
Khắc khoải ngóng chồng
Chị Chính kể lại, năm 1991 anh chị cưới nhau. Khi ấy anh Trung đang là học viên năm thứ hai của Trường Sĩ quan Chính trị quân sự, đóng quân Bắc Ninh. Gọi là cưới nhau cho “oai” chứ thực ra là “cưới chui”. Vì học viên không được phép lấy vợ khi chưa ra trường. Cưới được 6 ngày, anh Trung trở lại trường học, chị ở nhà thay anh chăm sóc mẹ chồng, tần tảo với ruộng đồng, đi sớm, về khuya. “Khi em có bầu thằng Bô, bụng to vượt mặt mà vẫn đi cấy lúa. Sinh con anh ấy cũng không có nhà, con được 2 tuổi anh mới về”.
Năm 1994, anh Trung ra trường về Vùng 2 Hải quân công tác. Nhớ chồng, đầu năm 1996, chị bồng con vào Vũng Tàu sinh sống. Lúc đó, đơn vị không có nhà tập thể, tổ ấm của họ là căn phòng mượn tạm của bệnh xá. Chưa đầy hai tháng “đoàn tụ”, anh Trung lại ra nhà giàn Quế Đường A làm nhiệm vụ. Ở quê, đã xa chồng, nay lại càng xa hơn. Một mẹ, một con trong gian phòng vắng lạnh, chị cô đơn, trống trải. “Có lần anh ấy đi hai cái tết mới về, 27 tháng không nhìn thấy mặt. Khi nhìn bố, thằng Bô cứ trân trân nhất định không cho bế”, chị Chính nhớ lại.
![]() |
Niềm vui, niềm an ủi lớn nhất đối với vợ những người lính nhà giàn là những đứa con. |
Câu chuyện của chị Cao Thị Hồng ở xã Thượng Hóa, Minh Hóa, Quảng Bình, vợ của thiếu tá Trương Văn Thủy, chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/8, cũng tương tự. Chị đã thay chồng gánh vác hai bên nội ngoại vẹn toàn hơn chục năm qua. Mỗi lần nghỉ phép, anh Thủy về thăm vợ “chưa nóng chỗ” lại phải vào đơn vị đi nhà giàn thay cho đồng đội vào bờ.
Anh Thủy kể, có lần con ốm, vợ anh một mình cõng con vượt hơn 4,5 km đường rừng Tuyên Hóa, Quảng Bình đến bệnh xá xã. Con sốt quá cao, chị Hồng chỉ biết ôm con đi quanh hành lanh chờ bác sĩ. Giữa đêm tối lạnh căm căm, cả hai mẹ con đều khóc.
“Là vợ lính, nhất là lính nhà giàn, dù là thời bình cũng phải biết chấp nhận hy sinh, chấp nhận xa chồng. Sống trong nỗi nhớ, khắc khoải mong chồng cũng là hạnh phúc”, chị Hồng tâm sự. Có lẽ, điều mà chị Hồng tâm sự là tiếng nói chung, là tình yêu thủy chung của hàng trăm người vợ có chồng là bộ đội Hải quân đang làm nhiệm vụ trên các nhà giàn nơi đầu sóng, ngọn gió.
Theo chồng “tuyển quân”
Với những người vợ lính có chồng công tác gần nhà, việc “sinh con theo kế hoạch” là bình thường, còn những người có chồng là bộ đội DK1, một năm gần chồng vỏn vẹn chưa đầy 30 ngày phép. Với thời gian ấy, cặp vợ chồng trẻ muốn sinh con thật không dễ, nên các chị phải xin theo chồng vào đơn vị “tuyển quân” sau khi chồng hết thời gian nghỉ phép ở quê nhà. Chuyện “tuyển quân” của thiếu tá Trần Văn Lợi, Chính trị viên nhà giàn Tư Chính 4, đã thực sự là bài học kinh nghiệm cho nhiều cán bộ, chiến sĩ nhà giàn.
Vợ chồng Lợi cưới nhau năm 1999. Chưa trọn tuần trăng mật, Lợi phải vào đơn vị, ra nhà giàn thay trực cho đồng đội vào bờ, để lại quê nhà người vợ trẻ cùng mẹ già. Trong căn nhà gỗ ở Lưu Sơn, Đô Lương, Nghệ An, chị Hà Thúy Vân (vợ Lợi) ước ao có một đứa con làm vui khi vắng chồng. “Xa chồng, niềm vui lớn nhất của người phụ nữ là có đứa con”, Vân nói. Nghĩ vậy, chị quết tâm lên kế hoạch.
Tháng 10/2000, đúng lúc anh Lợi từ biển trở về, chị Vân xin chồng vào đơn vị “tuyển quân”. Song lần ấy “quân” không đậu. Tháng 8.2005, anh Lợi nghỉ phép. 30 ngày phép ngắn ngủi gần vợ cũng không đạt kết quả. Chị Vân vẫn quyết tâm: “Thua keo này ta bày keo khác. Lần này anh cho em theo, nhất định mình sẽ thắng lợi”. Thế là chị lại theo chồng vào Vũng Tàu.
![]() |
Đêm chung tay thắp sáng nhà giàn DK1. |
Sau 20 ngày ngắn ngủi, nhưng tràn đầy hạnh phúc, chị Vân có dấu hiệu đậu thai. Hạnh phúc, sung sướng không gì tả nổi. Chị Vân đem kết quả về khoe mẹ chồng, vì bà cũng đang ngày đêm mong một đứa cháu. Cái niềm vui nho nhỏ ấy của vợ chồng Vân bây giờ đã học lớp lá và thêm một “cậu hải quân nhỏ” nữa gần 2 tuổi.
Bên cạnh niềm vui, niềm hạnh phúc của các chị đạt ước nguyện, cũng có những chị kém may mắn, vẫn ngày đêm khắc khoải một nỗi niềm được làm mẹ. Chị Nguyễn Thị Chiến, vợ của thiếu tá, y sĩ Bùi Văn Dong là một trong số đó. Trong 9 năm qua, căn nhà thuê của vợ chồng chị ở 41/7, đường Đô Lương, chưa đầy 15m2, chỉ đủ kê chiếc giường và bàn bếp, vậy mà cứ rộng thênh thang vì luôn vắng bóng chồng. Ngày đêm chị lủi thủi một mình.
Hôm chúng tôi đến thăm, chị Chiến nghẹn ngào: “Em vào đây đã 9 năm. Ở một mình buồn lắm. Chỉ mong có thêm đứa con nữa. Anh Dong đã 6 lần về, vậy mà mãi…”, chị bỏ lửng câu nói đầy nước mắt nén chặt lâu ngày hôm nay mới có dịp trào ra, khiến chúng tôi cũng thấy cay cay nơi khoé mắt.